Tại Đức, các sản phẩm vệ sinh phụ nữ (đặc biệt là băng vệ sinh) bị đánh thuế lên tới 19%. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng xa xỉ như trứng cá muối, tranh sơn dầu, nấm Truffle mức thuế chỉ dừng lại ở 7%. Một làn sóng phẫn nộ đã được tạo ra để phản đối mức thuế vô cùng vô lý và có phần bất công đối với phụ nữ. 

Trước bối cảnh đó, The Female Company (TFC), một startup tại Đức nổi tiếng với cách quảng bá sản phẩm táo bạo và chân thực về các sản phẩm cho phái nữ, đã tham gia vào công cuộc đấu tranh đòi giảm thuế tampon vì quyền lợi cũng như thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về kinh nguyệt.

Hai mục tiêu chính của chiến dịch là nâng cao nhận biết về chính sách thuế "vô lý" của chính phủ Đức, tăng nhận biết thương hiệu The Female Company (brand awareness) và tăng tình cảm đối với thương hiệu (brand love)

Sau nhiều nghiên cứu và suy xét kỹ lưỡng, Scholz & Friends Berlin - agency phụ trách chính cho chiến dịch  - đã tìm được một chính sách giảm thiểu thuế cho Tampon đó chính là nhờ sách. Từ đó, một ý tưởng “lách luật” chính là thay đổi toàn bộ cách đóng gói tampon thành các quyển sách. Sự thay đổi táo bạo này vừa giảm được mức thuế 19% đang áp dụng, vừa giúp truyền tải dễ dàng các thông điệp tới khách hàng.



Về phía The Female Company, họ đã khéo léo giấu 15 miếng tampon của hãng vào trong một cuốn sách mang tên The Tampon Book. Điều đó kích thích sự tò mò của khách hàng trước một bao bì vô cùng độc đáo. Câu chuyện được truyền tải cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình mua hàng, không chỉ dừng lại ở một sản phẩm mà nó còn mang ý nghĩa cộng đồng, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới.

Chỉ trong vòng hai tuần, 10.000 quyển The Tampon Book đã được bán hết.

Không chỉ dừng lại ở thiết kế độc đáo mà những nội dung truyền tải trong cuốn sách cũng mang nhiều tầng lớp thông điệp ý nghĩa. Những câu chuyện xoay quanh người phụ nữ vào những ngày "đèn đỏ", góc nhìn về lĩnh vực phòng the nhạy cảm mà họ thường "dè dặt" khi đề cập đến,... đều được thể hiện qua những nhân vật với tạo hình ngộ nghĩnh từ đó giúp lan tỏa đến nhiều đối tượng khác nhau.

Ngày 16/04/2019, thương hiệu ra mắt một đoạn video dài 45 giây trên các kênh Facebook, Instagram và Youtube. Tuy video đã bị ngừng đăng tải sau một thời gian ngắn phát sóng nhưng điều đó đã không ngăn được sự lan tỏa của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội khác. (bạn có thể xem video ở phía dưới)




Chiến dịch The Tampon Book đã khai thác thành công các động lực như ảnh hưởng xã hội và khả năng gợi nhớ, yếu tố mới lạ và sự tò mò. Việc sáng tạo trong cách thiết kế, câu chuyện truyền thông đầy tính nhân văn đã tạo ra sự mới lạ, khác biệt từ các sản phẩm của The Female Company so với cái đối thủ khác. Từ đó tạo cho người dùng cảm giác tò mò về sản phẩm của thương hiệu, gia tăng khả năng mua hàng của sản phẩm. Không những thế, việc kết hợp khéo léo với vấn đề mà xã hội vô cùng quan tâm là quyền  bình đẳng (CSR) đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ về thương hiệu trong lòng khách hàng. Khách hàng không chỉ bỏ tiền để mua sản phẩm thỏa mãn cái tôi cá nhân mà còn là đóng góp cho sự bình đẳng của xã hội.

--

Mỗi ngày một con số là chuỗi bài viết về Gamification Marketing do Woay (nền tảng thiết kế minigame) tổng hợp & soạn thảo. Thông qua việc chia sẻ con số mỗi ngày, Woay sẽ giúp bạn đến gần hơn với Gamification & cách ứng dụng hiệu quả vào doanh nghiệp.

Tụi mình rất cầu thị lắng nghe góp ý từ bạn đọc. Nên bài viết có sai sót gì mong mọi người góp ý thêm

 

 

 

Đăng bởi: admin