Mùa cách ly xã hội vẫn diễn ra liên tục dẫn đến nhu cầu giải trí tại nhà ngày càng tăng mạnh. Vậy, làm sao để các nhà phát hành game có thể cạnh tranh với lượng đối thủ dồi dào trên thị trường? Chỉ đi truyền thông như thông thường liệu đủ thu hút hay không?
Ngay cả từ trước khi Covid-19 bùng nổ, game và việc “nghiện game" cũng đã là một hiện tượng trên toàn cầu. Khi điện thoại thông minh ngày càng phát triển, số người sử dụng điện thoại cũng ngày càng cao, từ trẻ nhỏ đến người già, từ đó khả năng tiếp cận đến game cũng theo đó mà tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc liên tục giãn cách xã hội cũng tạo tiền đề thúc đẩy lượt cài đặt các trò chơi trên toàn thế giới tăng mạnh, theo ghi nhận là 30% trong vài tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.
Hình 1. Số liệu thống kê % số người dành nhiều thời gian hơn để chơi game
Sự mở rộng này đặc biệt đáng chú ý ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tại Singapore, 25% tổng số người dân cho biết họ dành nhiều thời gian để chơi game hơn so với trước khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ đó là 40% ở Philippines và 32% ở Nhật Bản.
Khi nhu cầu chơi game ngày càng tăng, câu hỏi được các đơn vị phát hành đặt ra là: Làm sao để khuyến khích người dùng cài đặt ứng dụng của bạn? Để bắt đầu giải đáp câu hỏi đó, việc đi từ nền tảng của những động lực đằng sau việc chơi game là cần thiết. Sau đó, chúng ta sẽ điểm qua một vài những chiến dịch truyền thông toàn cầu, để xem họ đã làm như thế nào để đẩy mạnh lượng truy cập và cài đặt game của thương hiệu nhé.
Như mọi nhà phát hành game đều biết, thế giới trò chơi chủ yếu được chia thành người chơi “cốt lõi” (đối tượng đầu tư một lượng thời gian và công sức đáng kể cho việc chơi game) và những người chơi “thông thường” (những người chơi game với mục đích giải trí, giết thời gian).
Để tiếp cận những đối tượng này một cách hiệu quả, trước tiên bạn phải hiểu rõ mục đích chơi và cách họ tương tác. Để hiểu thêm về điều này, chúng mình đã thực hiện nghiên cứu định tính ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và Anh với hàng trăm người chơi thông thường và cốt lõi.
Để phân tích những loại yếu tố quảng cáo nào hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy lượt cài đặt ứng dụng trò chơi, chúng mình đã kiểm tra hàng nghìn quảng cáo có hiệu suất cao nhất và thấp nhất cho Universal App Campaigns trên toàn cầu, để xem loại khía cạnh sáng tạo nào có khả năng thúc đẩy lượt cài đặt ứng dụng trò chơi hiệu quả nhất - cả cho Nhóm người chơi cốt lõi và Nhóm người chơi thông thường.
Từ đó, kết hợp giữa những đánh giá chuyên môn cùng công cụ phân tích, chúng mình sẽ xác định được những yếu tố trong quy trình sáng tạo có phải là thứ tạo động lực cho người chơi hay không. Và kết quả là CÓ. Tuy nhiên, mỗi nhóm đối tượng khác nhau sẽ có những quan tâm về khía cạnh sáng tạo khác nhau.
Để cụ thể hơn, đội ngũ Google đã tạo quảng cáo cho một trò chơi giả lập mà họ đặt tên là “Captain Unskippable”.
Vậy, điểm nổi trội ở quảng cáo này là gì? Giới thiệu vũ trụ trò chơi với đồ hoạ và chất lượng cao, làm nổi bật sự đa dạng trong các tùy chọn, quá trình phát triển các nhân vật và phần thông điệp thách thức bản thân đánh thẳng vào tâm lý Nhóm người chơi cốt lõi.
Với Nhóm người chơi này, quảng cáo theo hình thức tutorial, hướng dẫn cách chinh phục các màn đấu là hiệu quả nhất. Bởi vì đơn giản, những gì họ quan tâm là hệ sinh thái game này có gì, sự đa dạng, sáng tạo và tính thử thách của nó có đáng cho họ bỏ thời gian và công sức vào hay không.
Và cũng tương tự như trên, team Google cũng tạo quảng cáo cho một tựa game Casual giả lập.
Vậy nội dung quảng cáo này sẽ như thế nào? - Thể hiện sự đơn giản, tính giải trí của tựa game thông qua việc mô phỏng bản demo, với những âm thanh tươi sáng và một cách trực quan mang đến thông điệp đánh vào tâm lý Nhóm người chơi thông thường, đó là một tựa game đơn giản, thú vị để giải trí, và giết thời gian.
Mặc dù không có một công thức nào là hoàn hảo, có thể ứng dụng cho mọi chiến dịch marketing quảng bá cho game, nhưng hy vọng bài viết và những gợi ý trên sẽ cho các đơn vị phát hành có một nền tảng vững chắc hơn trong việc quảng bá game trên thị trường và thu hút lượt tải xuống. Tất nhiên vì đây chỉ là những nghiên cứu mang tính chất nền tảng, các marketer vẫn có thể tự do tối ưu hóa, phát triển thành chiến lược cho riêng thương hiệu.
Hãy cân nhắc thử nghiệm các góc nhìn khác nhau, sử dụng CTA khai thác sự đa dạng trong các thử thách (đối với người chơi cốt lõi) hoặc khía cạnh giải trí khác nhau (đối với Nhóm người chơi bình thường), lựa chọn nhạc nền hoặc thậm chí là các tính năng nổi bật. Miễn là các marketers tập trung vào các động lực thúc đẩy đằng sau nhóm đối tượng tiềm năng và xây dựng nền tảng game dựa trên những yếu tố đó, đơn vị phát hành sẽ có đủ khả năng để tạo nên một game với chiến dịch truyền thông thành công.