Các nguyên tắc cơ bản cho marketing trong ngành bán lẻ.

Tham khảo từ: The Fundamentals of Retail Marketing

Vài năm trở lại đây, ngành bán lẻ phát triển với một tốc độ nhanh đáng kể, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả nhiều nền kinh tế thế giới. Chính vì thế, một chiến lược marketing đúng đắn chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh so với vô vàn đối thủ ngoài thị trường. Tại đây, mình xin đưa ra một số nguyên tắc cơ bản cho Marketing trong ngành bán lẻ.

Ngành bán lẻ là gì?

Có lẽ những tên tuổi như Co.opMart, Co.op Smile, BigC, Metro (đã đổi tên thành Mega Market)… không còn xa lạ gì với chúng ta. Đó chính là những tên tuổi đi đầu trong mảng bán lẻ ở thị trường Việt Nam.

Điểm chung của những doanh nghiệp này là họ thường sở hữu nhiều nhóm sản phẩm khác nhau, nhưng họ lại không tự tạo ra sản phẩm đó.

Bán lẻ là gì và mô hình bán lẻ hoạt động như thế nào?

Bán lẻ (retailing) là việc mua sản phẩm từ các nhà sản xuất, nhà buôn hoặc công ty bán lẻ lớn và bán lại cho người tiêu dùng sau cùng.

Các tổ chức bán lẻ có quy mô rất khác nhau. Chúng có thể là một cửa hàng duy nhất hoặc các cửa hàng liên hoàn bao gồm nhiều chi nhánh, kể cả cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng giảm giá và hợp tác xã tiêu thụ.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Mô hình hoạt động:

  • Trước tiên, các nhà bán lẻ mua lại sản phẩm từ các doanh nghiệp cung cấp.
  • Sau đó, nhà bán lẻ quảng cáo những sản phẩm đó đến người tiêu dùng.
  • Cuối cùng, người tiêu dùng đến và mua sản phẩm từ cửa hàng bán lẻ.

Mô hình bán lẻ với quy mô lớn thường là những siêu thị, cửa hàng tiện lợi với rất nhiều mặt hàng.

Không dừng lại ở đó, ngành bán lẻ còn lan rộng và tạo ra các cửa hàng, hay chúng ta quen gọi là các “shop”. Tuy nhiên mô hình này thường nhỏ gọn hơn và ít đa dạng mặt hàng hơn. Trái lại, họ sẽ tập trung vào một nhóm mặt hàng tiêu biểu và phát triển sự đa dạng của mặt hàng đó.

Cụ thể, những shop kinh doanh quần áo thường sẽ tập trung vào một nhóm đối tượng khách hàng là nam hoặc nữ. Và phát triển sự đa dạng về mẫu mã, số lượng và kiểu dáng.

Thế nhưng, trong khi mọi người tập trung mở rộng các cửa hàng theo mô hình truyền thống, thì họ lại quên rằng các trang web trực tuyến cũng có thể trở thành một cửa hàng bán lẻ. Hàng loạt các tên tuổi về thương mại điện tử đã tận dụng lợi thế này và phát triển thông qua một kênh mới như Amazon, Alibaba… hay Shopee, Tiki và Lazada ở thị trường Việt Nam.

Marketing trong ngành bán lẻ hoạt động như thế nào?

Là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, người bán lẻ như đứng vào vị thế “làm dâu trăm họ” vì họ vừa phải làm việc với doanh nghiệp, nhà cung ứng, nhà vận tải và khách hàng.

Để doanh nghiệp bán lẻ hoạt động tốt đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng theo nguyên tắc 4P trong marketing.


Sơ đồ 4P Marketing cho doanh nghiệp bán lẻ.

Sản phẩm

Sản phẩm trong ngành bán lẻ đòi hỏi một sự đa dạng nhất định từ loại mặt hàng, màu sắc cho đến kích thước. Doanh nghiệp bán lẻ cần phải cung cấp đầy đủ các mong muốn và chọn lựa của khách hàng.

Riêng đối với nhóm ngành thực phẩm cần phải lưu ý thêm về thời hạn sản xuất, hạn sử dụng để thực phẩm luôn đảm bảo được chất lượng.

Giá cả

Đây là một yếu tố được cân nhắc đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Xí nghiệp, cơ sở sản xuất có thể bán hàng cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ cùng một lúc. Mặt khác, những mặt này cũng khá đa dạng trên thị trường. Vậy nên cung cấp một mức giá phù hợp sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp của bạn.

Cạnh tranh về giá luôn là một chiến thuật đi đầu trong việc giúp tăng doanh thu mà mọi doanh nghiệp hướng đến.

Cửa hàng

Với đa dạng mặt hàng, doanh nghiệp bán lẻ cần một nơi để trưng bày và để khách hàng mua sản phẩm của mình. Đó có thể là cửa hàng hay một trang web hay bán hàng qua những kênh social.

Mỗi kênh bán hàng khác nhau đều mang đến những tiện ích khác nhau. Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng khách hàng sẽ biết chính xác doanh nghiệp của bạn kinh doanh theo loại hình gì và có mặt ở đâu.

Quảng cáo

Và cuối cùng, bạn cần quảng cáo cửa hàng bán lẻ của mình đến với khách hàng. Luôn thông báo những chương trình khuyến mãi với khách hàng thông qua cả kênh online và offline. Đeo đuổi trong tâm trí của khách hàng để ngay khi họ cần mua sản phẩm sẽ nghĩ ngay đến việc lựa chọn bạn.

Giữ cho hình ảnh doanh nghiệp luôn nằm trong tâm trí và sự lựa chọn của khách hàng là điều cơ bản nhất mà ai làm marketing cũng theo đuổi.

Kinh doanh truyền thống và kinh doanh trực tuyến - Đâu là giải pháp cho doanh nghiệp bán lẻ?

Không khó để tìm thấy sự thành công của những nhà bán lẻ truyền thống trên thị trường hiện nay. Thế nhưng, trải qua thời kỳ khủng hoảng với Covid-19 vừa qua, chúng ta có lẽ đã nhận ra sự quan trọng đến từ những cửa hàng bán lẻ online.

Thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ ở Mỹ từ 2017 đến 2023.
Nguồn: Statistic.com, 2019
Năm 2019, các nhà bán lẻ Mỹ đã chi 28,33 tỷ USD cho quảng cáo kỹ thuật số, tăng 19,1% trong chi tiêu so với năm 2018. (Theo: emarketer.com)

Đối với hình thức kinh doanh trực tuyến:

  • Khách hàng có thể mua hàng trực tuyến từ nhà của họ.
  • Sẽ dễ dàng khi ứng dụng omnichannel cho doanh nghiệp của bạn.
  • Quá trình mua hàng của khách hàng trở nên dễ dàng hơn.
  • Khách hàng cũng không mất quá nhiều thời gian trong việc xếp hàng, chờ đợi để được thanh toán.

Đối với hình thức kinh doanh truyền thống:

  • Khách hàng có thể trực tiếp chọn lựa sản phẩm phù hợp với mình.
  • Có thể trao đổi trực tiếp với người bán về các vấn đề hoặc thắc mắc của mình.
  • Nhiều nhu cầu và mong muốn phát sinh khiến khách hàng có nhu cầu mua sắm nhiều hơn khi ở cửa hàng.
Đừng quên rằng 59% khách hàng sử dụng điện thoại trong các cửa hàng để so sánh giá cả và tìm kiếm các coupon khuyến mãi. Vậy nên, nếu nắm bắt được thị trường, bạn đừng quên tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng trên điện thoại để hình thức omnichannel được tiếp cận tốt hơn. Hãy cân nhắc xem đâu thật sự là hình thức và giải pháp phù hợp với bạn. Nếu có thể, hãy cân nhắc cả hai!

Lợi ích của Marketing trong ngành bán lẻ.

Marketing trong ngành bán lẻ, dù là online hay offline, đều cho phép doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích. Ngoài việc tăng doanh thu, những lợi ích này đều giúp cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển tốt hơn trong thời gian gần, như là:

  • Xây dựng mạng lưới với các doanh nghiệp khác.
  • Đạt được lòng trung thành của khách hàng.
  • Thu thập được thông tin khách hàng.

Khi bạn tham gia vào thị trường bán lẻ, đồng nghĩa với việc bạn sẽ kết nối với nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất sản phẩm bạn đang bán. Điều đó cho phép bạn mở rộng mạng lưới, tìm được nhiều nguồn hàng tốt hơn, thậm chí với mức giá tốt hơn. Đa dạng mặt hàng sản phẩm là một cách giúp phát triển cửa hàng bán lẻ của mình.

Marketing trực tuyến cho ngành bán lẻ.

Bất kỳ một ngành nghề nào cũng cần quảng cáo. Nếu không có quảng cáo, khách hàng sẽ khó có thể biết về doanh nghiệp, về sản phẩm của bạn hoặc không biết làm sao để đặt mua từ bạn. Và họ cũng không có lý do để mua nó từ cửa hàng của bạn.

“Khách hàng không ngại xa, họ chỉ cần một lý do”, vậy sao bạn không cho họ một lý do bằng cách đưa họ nhiều thông tin, nhiều khuyến mãi qua nhiều kênh khác nhau để có “lý do” đến với bạn hơn.

Chi tiêu cho các chiến dịch Digital Marketing cho ngành bán lẻ ở Mỹ.

Dựa theo các số liệu thống kê gần đây, nhiều công ty đã và đang chi nhiều tiền hơn cho quảng cáo trực tuyến mỗi năm và con số này vẫn tiếp tục tăng. Điều này là do các doanh nghiệp nhận ra rằng hầu hết mọi người đều dành thời gian để lên mạng mỗi ngày.

Các quảng cáo trên mạng xã hội tạo cơ hội để nhiều người nhìn thấy doanh nghiệp của bạn, làm tăng tỷ lệ khách hàng chọn và ghé đến cửa hàng của bạn. Bạn cũng có thể sử dụng các cách tiếp cận khác nhau để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử một mini game công nghệ với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Một dạng mini game kiểu mới sẽ giúp bạn thu thập được thêm nhiều thông tin khách hàng.

Từ những thông tin này, bạn có thể triển khai các chiến dịch như email marketing, SMS marketing để họ cập nhật thông tin, chương trình khuyến mãi của bạn nhiều hơn. Hoặc giới thiệu về trang web, địa chỉ cửa hàng của bạn đến với khách hàng.

Chiến lược marketing cho ngành bán lẻ.

Mỗi nhà bán lẻ đều có chiến lược marketing bán lẻ của riêng mình. Chiến lược sẽ được thay đổi tùy thuộc vào mô hình kinh doanh, số lượng nhân viên và khách hàng của bạn. Hãy lắng nghe và trò chuyện với nhân viên của mình nhiều hơn. Vì họ là người trực tiếp làm việc với khách hàng.

Hãy để nhân viên hiểu rõ hơn mục đích trong mỗi bước đi và chiến dịch mà bạn tạo ra. Để từ đó họ có thể theo sát và hoàn thành nó được tốt hơn. Khi xây dựng chiến lược thu thập thông tin khách hàng, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như: “Khách hàng sẽ có phản ứng tiêu cực hay tích cực?” / “Tại sao lại có những phản ứng như vậy?” / “Chiến lược có hiệu quả hơn trước và sau khi thay đổi hay không?

Nếu như tự bản thân bạn có thể trả lời những câu hỏi đó, bạn có thể đánh giá được nhận thức của khách hàng về chiến lược của bạn và điều chỉnh cho phù hợp. Khách hàng luôn có những kỳ vọng nhất định từ doanh nghiệp, vì vậy hãy khám phá hết những kỳ vọng mà bạn có thể đáp ứng và cung cấp hơn mức mong đợi cho khách hàng.

Sau khi thu thập được thông tin của khách hàng, bạn có thể cải thiện chiến lược bán lẻ của mình thông qua những phản hồi, đánh giá và những thông tin mà khách hàng chia sẻ với bạn.

Việc này đòi hỏi một quá trình kiên định trong việc xây dựng và cải thiện chiến lược thông qua những mong muốn và yêu cầu của khách hàng. Thay vì chỉ sử dụng một chiến lược một lần, bạn nên tập trung và phát triển một chiến lược kiên định, chuyên sâu và phù hợp để xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp của mình.

KẾT

Nhìn chung, mặc dù vẫn áp dụng những nguyên tắc cơ bản trong Marketing, nhưng mục đích cốt lõi của Marketing trong ngành bán lẻ chính là nâng cao nhận thức của khách hàng và cải thiện việc bán sản phẩm. Những gợi ý về chiến lược Marketing trên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, doanh nghiệp của bạn cần khám phá và thử nghiệm liên tục để tìm ra một chiến lược phù hợp với tệp khách hàng và nguồn lực của mình.

Đăng bởi: admin